Càng thu nhập thấp càng cần quản lý chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm, vậy nên lập kế hoạch chi tiêu cho người thu nhập thấp vô cùng cần thiết giúp bạn cân đối ngân sách đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của bản thân. Nếu bạn viện cớ rằng vì mình kiếm không được bao nhiêu tiền nên không cần có kế hoạch chi tiêu thì điều này hoàn toàn sai lầm, số tiền bạn có càng ít thì việc chia nhỏ nó ra cho các việc cần chi tiêu càng khó, kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn giải quyết điều này.
Cách lập kế hoạch chi tiêu cho người thu nhập thấp
Có nhiều quy tắc trong việc lập kế hoạch chi tiêu được các chuyên gia tài chính nêu ra cho mọi người, nhưng có 3 bước cơ bản sau đây bạn cần nắm được để đảm bảo dù có thu nhập thấp nhưng vẫn chi tiêu hợp lý.
Lập ngân sách chi tiêu hàng tháng
Số tiền bạn kiếm được không nhiều nên mỗi tháng bạn cần lập một ngân sách cố định là tổng số tiền bạn có thể sử dụng để chi tiêu cho các nhu cầu của mình và gia đình. Đây là cách thông minh để bạn giữ được cho mình một khoản tiền tiết kiệm dù nhỏ, có nghĩa hàng tháng sau khi lấy lương về bạn dành một khoản nhỏ cho tiết kiệm dài hạn (khoảng 10 – 15% tổng thu nhập) sau đó số tiền còn lại bạn mới dành cho chi tiêu của mình và gia đình.
Khi đã có ngân sách chi tiêu, kế hoạch chi tiêu của bạn sẽ căn cứ vào nguồn ngân sách này để phân bổ sao cho hợp lý, cân nhắc cái nào thiết yếu hơn, cái nào không cần thiết để giảm số tiền xuống.
Ví dụ: Bạn độc thân có thu nhập lương 6 triệu đồng/tháng, bạn cần phân bổ số tiền này sao cho hợp lý để đủ chi tiêu trong tháng. Trong đó dù ít thì bạn cũng cần trích 1 khoản nhỏ để tiết kiệm, phần còn lại dành cho chi tiêu. Cụ thể:
- 600 ngàn đồng: Tiết kiệm (tuyệt đối không động đến)
- 1,5 triệu đồng: Tiền ăn (bữa trưa và bữa tối)
- 500 ngàn đồng: Tiền ăn sáng
- 1 triệu đồng: Tiền thuê nhà (giá thuê nhà ở cao bạn nên ở ghép để tiết kiệm tiền nhà)
- 500 ngàn đồng: Tiền điện, tiền ga, tiền nước, tiền internet, tiền điện thoại (tiền điện 150 ngàn + tiền ga 100 ngàn + Tiền nước 100 ngàn + tiền internet 50 ngàn, tiền điện thoại 100 ngàn)
- 500 ngàn đồng: Tiền cho nhu cầu giải trí như xem phim, đi chơi, đi ăn ngoài với bạn bè
- 500 ngàn đồng: Tiền mua sắm đồ (sắm quần áo hoặc sắm các vật dụng mới thay cho đồ cũ hư hỏng) hoặc đầu tư cho giáo dục (mua sách, mua khóa học)
- 500 ngàn đồng: Tiền cho các nhu cầu phát sinh (đám cưới, đám giỗ, thăm người ốm…)
- 400 ngàn: Cho vào quỹ dự phòng
Để chi tiêu hợp lý cần lập ngân sách chi tiêu cụ thể
Cách phân bổ các khoản chi tiêu này chỉ mang tính gợi ý, nếu bạn muốn tăng khoản tiết kiệm của mình lên thì cần cân nhắc giảm khoản chi cho các nhu cầu khác.
Bởi vì bạn thu nhập thấp nên không thể chu toàn đáp ứng hết tất cả các nhu cầu của bản thân, để đủ chi tiêu hay lựa chọn để dành tiền tiết kiệm được nhiều hơn thì cần giảm các nhu cầu mua đồ, nhu cầu giải trí
Nếu lương bạn thấp hơn nữa chỉ 3 – 4 – 5 triệu đồng thì số tiền phân bổ cho các hạng mục phải thấp hơn ví dụ nêu trên. Thậm chí bạn cần cắt bỏ nhu cầu giải trí, mua đồ, cắt bớt số tiền ăn mỗi tháng để đủ chi.
Muốn kế hoạch được rõ ràng bạn hãy liệt kê ra thành bảng chi tiêu theo từng hạng mục để dễ theo dõi, sau đó cân nhắc xem khoản nào cần chi nhiều hơn, khoản nào có thể cắt bỏ để không vượt quá số tiền mình kiếm được.
Lập bảng theo dõi chi tiêu hàng ngày
Việc thống kê chi tiêu hàng ngày để theo dõi có thể hơi phiền hà nhưng nó đặc biệt hiệu quả giúp bạn nhìn rõ thu chi và thói quen chi tiêu của mình. Hãy ghi các chi tiêu của mình trong một cuốn sổ hoặc lập bảng theo dõi bằng Excel để dễ nhìn và so sánh. Chỉ khi ghi rõ ràng ra bạn mới biết cách mình chi tiêu như thế nào và tự điều chỉnh được.
Sau một vài tháng việc lập bảng theo dõi chi tiêu, dần dần sẽ thành thói quen, giúp bạn tự điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình sao cho tiết kiệm hơn, bớt được những khoản không thực sự cần, dành tiền cho những việc quan trọng hơn.
Lập ngân sách dự phòng
Càng thu nhập thấp thì càng cần ngân sách dự phòng để phòng ngừa những lúc ốm đau, thất nghiệp hay có việc khẩn cấp. Bạn không có nhiều cũng nên trích một phần nhỏ trong thu nhập để lập quỹ dự phòng, lưu ý khoản tiền trích cho quỹ dự phòng không phải là khoản tiền bạn trích để tiết kiệm trước khi lập ngân sách chi tiêu. Số tiền cho quỹ dự phòng bạn phải trích từ ngân sách chi tiêu và có ghi trong kế hoạch chi tiêu hàng tháng.
Ví dụ lương bạn thấp chỉ có 4 triệu đồng, nếu sinh sống ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thì để đảm bảo đủ chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản khá khó khăn. Vì vậy thay vì lập quỹ dự phòng sau khi đã trừ đi những khoản chi tiêu thì bạn lập quỹ dự phòng trước khi phân bổ chi tiêu
Ví dụ: Bạn lương chỉ có 4 triệu/tháng, bạn sẽ lập quỹ dự phòng trước trong kế hoạch chi tiêu như sau:
- 500 ngàn đồng cho quỹ dự phòng,
- 500 ngàn đồng cho tiết kiệm
- 1,5 triệu đồng cho tiền ăn
- 600 ngàn đồng cho tiền nhà (thay vì ở ghép 2 người bạn có thể ở ghép 3-4 người để chia tiền thuê nhà cho rẻ)….
Cứ như vậy bạn lập quỹ dự phòng trước rồi phân bổ tiền cho nhu cầu thiết yếu là ăn – ở, sau khi chi cho ăn ở còn dư bao nhiêu bạn mới phân bổ cho các nhu cầu khác.
Hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý cho người thu nhập thấp
Có nhiều cách giúp chi tiêu hợp lý cho người thu nhập thấp mà các bạn có thể tham khảo và áp dụng cho linh hoạt cho mình. Có thể kể đến các cách đơn giản và dễ thực hiện sau.
Tạo thói quen sống tiết kiệm
Muốn chi tiêu hợp lý bạn cần phải biết chọn lựa và cân nhắc cái nào là thiết thực và cái nào không thực sự cần thiết, việc này sẽ tạo ra một lối sống tiết kiệm, hiệu quả, không lãng phí, giúp cho ngân sách của bạn được chi tiêu phù hợp.
Có nhiều khoản chi tiêu có chi phí rất nhỏ nhưng không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, thời gian dài những khoản nhỏ này cộng lại sẽ là một số tiền lớn. Do đó trong sinh hoạt hàng ngày hãy tạo những thói quen tốt từ những điều đơn giản nhất như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm xăng.
Hạn chế mua đồ mới, bạn có thể mua đồ đã qua sử dụng nhưng công năng vẫn còn tốt sẽ chỉ phải trả chi phí rất nhỏ so với giá mua mới. Ví dụ như các đồ điện tử (nồi cơm, tủ lạnh) bạn có thể đến các cửa hàng bán đồ gia dụng cũ để mua.
Hay như phương tiện đi lại, thay vì mua một chiếc xe máy 20 triệu hoặc mấy chục triệu (bạn sẽ không có tiền luôn mà phải vay), bạn có thể đi làm bằng xe buýt, mua vé tháng chỉ 200 ngàn đồng hoặc đi làm bằng xe đạp vừa khỏe người lại vô cùng tiết kiệm.
Khi thu nhập chưa cao chúng ta có thể mua đồ đã qua sử dụng hoặc tận dụng lại các đồ cũ xin được để giảm chi phí.
Kiếm thêm việc để tăng thu nhập
Dù có cố gắng chi tiêu hợp lý như thế nào nhưng với thu nhập quá ít ỏi bạn sẽ vẫn luôn thiếu thốn eo hẹp, do đó để cải thiện tình hình thì điều bắt buộc bạn phải làm là tìm cách để tăng thu nhập lên.
Có nhiều cách khác nhau để tăng thu nhập và điều này là vô cùng quan trọng để đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai của bạn hay gia đình. Bạn có thể tìm thêm việc làm bán thời gian vào những lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập.
Một số công việc bạn có thể tranh thủ làm khi có thời gian rảnh như viết lách hay bán hàng online, đi giao đồ, nhận thêm đồ thủ công của các xưởng sản xuất về làm như thêu tranh, xâu hạt, gấp bìa… Hay tìm các công việc part time như bán hàng buổi tối tại các cửa hàng, làm phục vụ tại các quán bia hay quán cà phê… Chỉ cần có sức khỏe và sự chăm chỉ chắc chắn bạn sẽ tìm được việc làm thêm phù hợp để tăng thu nhập cho mình. Trong khi thu nhập chính quá thấp bạn không thể chỉ trông chờ vào đó mà phải làm thêm việc để có thêm nguồn thu.
Giao hàng là một công việc làm thêm được nhiều bạn trẻ lựa chọn
Bởi mỗi năm lạm phát sẽ tăng cao, nếu không tăng thu nhập và tăng tích lũy chuẩn bị dài hạn thì khi về già bạn biết trông cậy vào đâu.
Tự nấu ăn
Thay vì thường xuyên ăn ở ngoài, mua đồ ăn sẵn về ăn thì bạn nên tự nấu để tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng đảm bảo vệ sinh an toàn hơn.
Bạn nên tự nấu cơm mang cơm đi làm thay vì đặt đồ ăn ngoài, dành thêm một chút thời gian để đi chợ và nấu đồ nhưng lại tiết kiệm được hẳn một khoản tiền kha khá so với mua đồ ăn ngoài.
Hạn chế tuyệt đối việc vay nợ
Vay nợ là “kẻ thù” khiến bạn khó chi tiêu hợp lý được, nợ nần sẽ khiến bạn sẽ luôn trong tình trạng túng thiếu và khó để dứt khỏi vòng luẩn quẩn đó. Do đó dù thu nhập thấp nhưng bạn nên cân đối chi tiêu theo kế hoạch chi tiêu đã lập nên, hạn chế tối đa việc vay nợ, hãy tiết kiệm và lập quỹ dự phòng để có thể dùng khi có việc cấp bách.
Trường hợp bạn đang vướng nợ nần thì hãy cố gắng tìm cách trả cho hết khoản nợ đã vay, không vay thêm khoản mới nữa để nhanh chóng ổn định tài chính. Trích một phần thu nhập để trả nợ, phần còn lại hãy cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất có thể để trả hết nợ nhanh nhất, cắt nhu cầu mua sắm, giải trí, giảm bớt các khoản thiết yếu lại.
Ví dụ nếu bạn có lương 5 triệu thì hãy dành 2 triệu để trả dần khoản vay, còn 3 triệu còn lại dùng để cân đối chi tiêu trong 1 tháng. Sẽ khó khăn nhưng sau khi hết nợ mọi thứ sẽ ổn định lại.
Cắt giảm bớt chi phí các khoản lớn
Với hầu hết mọi người thì chi phí cho nhu cầu ở (tiền nhà) là lớn nhất, thay vì tập trung tiết kiệm giảm những khoản chi phí nhỏ như ăn uống, mua sắm thì bạn cũng nên tìm cách giảm phí khoản lớn sẽ có tác dụng nhiều hơn.
Hãy tìm chỗ ở có giá thuê rẻ tiền hơn và rủ thêm nhiều người sống cùng để giảm tiền thuê. Trường hợp bạn có nhà riêng rồi thì thay vào đó giảm phí ở khoản khác như tiền ăn uống hay tiền mua sắm, hoặc có thể thu gọn không gian sinh hoạt của mình lại, dành 1 phòng hay diện tích trước nhà cho thuê để kiếm thêm thu nhập.
Đi chợ thông minh tiết kiệm
Mẹo để đi chợ tiết kiệm là hàng ngày bạn chỉ mang một số tiền cố định, không mang thừa sẽ bị lạm chi. Bạn nên đến các chợ đầu mối để mua được rau củ và đồ tươi sống theo giá buôn sẽ rẻ hơn ở chợ bán lẻ nhiều.
Mua thực phẩm ở chợ đầu mối sẽ được giá rẻ hơn
Ngoài ra với các đồ sinh hoạt như bột giặt, sữa tắm, dầu rửa, mắm muối dầu ăn… thì nên mua tại đại lý để được giá rẻ hơn chứ không nên mua lẻ tại các cửa hàng tạp hóa.
Với những hướng dẫn về cách lập chi tiêu cho người thu nhập thấp cụ thể nêu trên, mong rằng nhiều bạn có thu nhập không cao đã tìm được giải pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho mình.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.