Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng mà mọi người dân Việt Nam mỗi năm đều hướng đến, tuy nhiên đây cũng là dịp chi tiêu tốn kém nhất trong năm. Do đó lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm ngày tết là vô cùng cần thiết, nhất là với những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Lợi ích của kế hoạch chi tiêu ngày tết
Một số lợi ích thiết thực khi lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm ngày tết:
- Lập kế hoạch chi tiêu ngày tết giúp bạn sắp xếp các hoạt động ưu tiên và điều chỉnh các khoản chi cho phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Khi có kế hoạch chi tiêu nếu muốn chi tiêu nhiều hơn một khoản nào đó bạn cần giảm số tiền ở các mục khác.
- Kế hoạch chi tiêu giúp bạn dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính, bởi nếu không lập kế hoạch bạn sẽ dễ dàng chi tiêu vượt mức, chi được khoản này lại hụt mất khoản kia. Đặc biệt dịp tết có rất nhiều khoản quan trọng cần chi, sẽ rất khó nếu không phân bổ ngân sách đều và hợp lý.
- Có kế hoạch bạn sẽ đặt mình trong tầm kiểm soát, sử dụng tiền hiệu quả hơn khi mua sắm tết, chi đúng chỗ và không bị thất thoát tiền cho những khoản vô bổ.
- Lập kế hoạch chi tiêu giúp cho việc mua sắm của bạn thoải mái hơn vì cứ theo kế hoạch mà làm, không cần đắn đo suy nghĩ nhiều, cũng không lo lắng bị thiếu hụt tiền vì mọi khoản cần thiết đã được phân bổ ngân sách phù hợp.
- Kế hoạch chi tiêu tết rõ ràng giúp tiết kiệm và ngăn chặn những mâu thuẫn tiền bạc giữa các thành viên trong gia đình, bởi trong quá trình xây dựng kế hoạch đã có sự tham khảo, thảo luận và đồng thuận của tất cả thành viên.
Lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm ngày tết đảm bảo tết đoàn viên ấm no
Các bước lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm ngày tết
Ngoài niềm vui ngày Tết đoàn viên thì những việc cần chi tiêu trong dịp tết khiến nhiều người đau đầu bởi nó “ngốn” một khoản ngân sách kha khá, nếu không sắp xếp và phân bổ hợp lý sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, lại không đảm bảo được một cái tết đầy đủ, thoải mái.
Sau đây là hướng dẫn các bước lên kế hoạch chi tiêu cho ngày tết.
Bước 1: Lập ngân sách chi tiêu
Cần lập ngân sách chi tiêu dựa theo khả năng tài chính của mình hay gia đình mình dành cho tết là bao nhiêu. Bạn cần xác định có thể chi tổng bao nhiêu tiền cho dịp tết rồi mới lên kế hoạch cụ thể dựa vào ngân sách bạn có.
Ví dụ bạn dự định sẽ có 20 triệu để tiêu cho dịp tết thì lúc đó bạn mới có thể căn cứ vào đó để phân bổ lên kế hoạch mua sắm, biếu đằng nội đằng ngoại và lì xì trẻ nhỏ như thế nào. Nếu thu nhập của bạn ít chỉ có 5 triệu hay 7 triệu thì bạn cũng cần phân bổ cho hợp lý để có một cái tết ấm cúng.
Bước 2: Lập kế hoạch chi tiêu cụ thể
Lập bảng chi tiêu cụ thể các hạng mục cần chi tiền trong tết, nêu rõ các khoản cần chi tiền trong dịp tết từ làm đẹp cho bản thân đến lên danh sách các đồ cần mua, các khoản tiền cần biếu, tiền bỏ lì xì…
Trước khi đi mua sắm tết nên lên kế hoạch cụ thể mua gì, dự trù bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó rồi đến nơi chỉ cần đi tìm những đồ mình cần nhằm tránh sa đà vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Ví dụ ngân sách của bạn có 8 triệu đồng chi tiêu Tết cho cả gia đình thì bạn có thể tham khảo cách lên kế hoạch chi tiêu dưới đây:
- Tiền biếu hai bên nội ngoại: 2 triệu đồng (mỗi bên 1 triệu đồng
- Tiền mua quà tết biếu hai bên nội ngoại: `1 triệu đồng (mỗi bên 500 ngàn đồng – mua giỏ quà bánh cùng ít đồ tươi biếu ăn tết)
- Tiền mua sắm đồ tết cho gia đình:
- Tiền đặt mua bánh chưng: 65 ngàn x 4 = 260 ngàn đồng
- Tiền mua gà ăn và cúng tết: 300 ngàn x 2 = 600 ngàn đồng (2 con gà)
- Tiền mua thịt và xương: 400 ngàn đồng (thịt 2 kg, xương 1 kg)
- Giò lụa (1 kg): 180.000 đồng.
- Tiền hoa quả bày mâm cúng gia tiên: 300 ngàn đồng
- Mua rau quả, gia vị, nước mắm, măng khô, mộc nhĩ, miến: 300 ngàn đồng.
- Mua quần áo mới cho 1 bé: 300 ngàn đồng.
- Bánh kẹo tết: 700 ngàn đồng
- Tiền mua hoa tết: 200 ngàn đồng
- Các khoản phát sinh: 300 ngàn đồng
- Tiền mừng tuổi: Mừng người lớn tuổi 100 ngàn đồng x 4 = 400 ngàn đồng; Mừng tuổi các cháu nhỏ 1 triệu đồng (mỗi cháu 20 ngàn hoặc 50 ngàn – đổi sẵn tiền lẻ).
Bước 3: Phân bổ ngân sách cho các khoản chi tiêu
Hãy tuân thủ theo kế hoạch đã nêu ra và phân bổ tiền vào các khoản chi cho hợp lý theo ngân sách bạn có.
Ví dụ bạn có 10 triệu tiêu tết sẽ chi khác, có 5 triệu tiêu tết sẽ chi khác. Giả sử ngân sách chi cho tết là 10 triệu đồng thì bạn chỉ nên biếu nội ngoại mỗi bên 1 triệu thôi, nếu tổng tiền chi tiêu tết của bạn là 6 triệu đồng thì bạn chỉ biếu 500 ngàn đồng mỗi bên nội ngoại.
Hay như khoản chi cho mua đồ dùng tết chỉ nên dành khoảng ⅓ tổng ngân sách, mua đồ những đồ thực sự cần thiết, giá vừa phải, không mua đồ đắt sẽ lạm chi ngân sách.
Nhìn chung có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít tùy theo khả năng tài chính của mình, bước này cần cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng để phân bổ đều ngân sách cho các hạng mục.
Thực hiện theo 3 bước cơ bản trên là bạn đã lập được một kế hoạch chi tiêu tết tiết kiệm.
Chi tiêu tết hợp lý khi phân bổ ngân sách thông minh
Bật mí một số cách chi tiêu hợp lý trong ngày tết
Ngoài việc lập kế hoạch chi tiêu hợp lý trong dịp tết thì để có một cái tết tiết kiệm không lãng phí bạn nên áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây:
Không đặt nặng giá trị quà tặng
Khi đi mua quà tết để tặng không nên vung tay quá trán, chỉ nên mua những món quà phù hợp bởi của cho không bằng cách cho, Tết là dịp để đoàn viên sum vầy bồi dưỡng tình cảm gia đình, người thân, không nên đặt nặng quá giá trị các món quà.
Mua thực phẩm đủ dùng
Mua thực phẩm cho tết vừa phải, đủ cho 3 ngày ăn không nên mua quá nhiều, nhiều người có thói quen tích trữ nhiều đồ ăn tết vì sợ không đủ khi đông khách nên cả tháng ăn không hết đồ khiến đồ bị hỏng, để lâu mất ngon gây lãng phí. Thời nay chỉ mùng 2 mùng 3 là các chợ đã mở lại, bạn có thể dễ dàng mua thực phẩm mới bổ sung.
Lên thực đơn sẵn cho 3 ngày tết
Lên thực đơn sẵn cho 3 ngày tết để khi nấu nướng bạn có thể tận dụng các đồ ăn có trong tủ lạnh để chế biến các món cho hợp lý, điều này cần được phối hợp nhịp nhàng với khi đi mua đồ, chuẩn bị nguyên liệu.
Có sẵn thực đơn ra chợ bạn sẽ chỉ theo đó mua nguyên vật liệu, tránh tình trạng thấy gì mua đấy rồi về nhà không biết kết hợp chế biến món gây lãng phí thực phẩm.
Không sa đa các chương trình khuyến mãi tết
Hãy cảnh giác với các chương trình khuyến mãi tết rồi sa đà dẫn tới bỏ tiền mua các đồ không thực sự hữu dụng về nhà rồi không dùng tới. Nếu đồ trong danh sách mua sắm của bạn có khuyến mãi thì càng tốt, nhưng nếu đồ khuyến mãi không có trong danh sách mua đã lên trước nên tránh xa.
Không nên sa đà các chương trình khuyến mãi
Tận dụng đồ có sẵn
Tận dụng những món đồ cũ đã có từ năm trước để chuẩn bị cho tết, hạn chế sắm đồ mới, ví dụ như mua thêm bát đĩa hay lọ hoa là không cần thiết, bạn có thể dùng các đồ từ tết năm trước, chỉ cần thay đổi cách cắm và loại hoa cắm là được.
Mua hàng ở chợ đầu mối
Khi đi mua sắm tết nên đến các chợ đầu mối để mua được giá gốc thay vì đến các cửa hàng thông thường, ngoài ra với những sản phẩm cần bảo quản kỹ thì bạn nên mua sắm sớm một chút vì càng gần tết giá cả càng tăng cao.
Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết cách lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm ngày tết và các mẹo chi tiêu ở trên sẽ giúp bạn có một cái tết tiết kiệm, không lãng phí, thoải mái và vui tươi.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.