Khi nói về chi tiêu thường mọi người hiểu đơn giản là chi tiêu trong hộ gia đình hay chi tiêu cá nhân, nhưng thực tế khái niệm này được dùng với nhiều các đối tượng khác nhau từ cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, Chính Phủ. Vậy định nghĩa về khái niệm chi tiêu như thế nào?
Định nghĩa về chi tiêu
Chi tiêu vừa là một danh từ vừa là một động từ được dùng để thể hiện việc dùng một khoản chi phí nào đó để tiêu dùng cho sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ…. nhằm phục vụ cho mục đích của chủ thể là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hay tổ chức, Chính Phủ…
Trong kinh tế học chi tiêu được định nghĩa là sự giảm đi thuần túy các loại vật tư, tài sản, tiền vốn của chủ thể (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) bất kể nó dùng vào mục đích gì.
Thế nào là chi tiêu hợp lý?
Chi tiêu hợp lý là chỉ việc chi tiêu tiết kiệm, các chi phí chi ra để phục vụ các mục đích nằm trong khả năng tài chính của cá nhân, gia đình, tổ chức. Không chi tiêu vượt quá thu nhập hay số tiền có cho một mục đích nào đó.
Ví dụ trong ví bạn chỉ có 300 ngàn đồng, bạn cần dùng số tiền này mua thức ăn đủ cho 3 ngày cho 2 người. Vậy bạn cần tính toán xem mua những thực phẩm gì để nấu các món đủ cho 2 người ăn trong 3 ngày mà đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ no, không bị lặp món. Nếu bạn mua thức ăn cho 3 ngày đảm bảo các tiêu chí trên chỉ hết 280 ngàn đồng thôi thì có nghĩa là bạn biết chi tiêu hợp lý. Có thể hiểu đơn giản chi tiêu hợp lý là chi tiêu khoa học, bạn chỉ cần số chi phí tiêu dùng nhỏ hơn hoặc bằng số tiền mình có mà vẫn đảm bảo mục đích của mình.
Thế nào là chi tiêu hợp lý
Thế nào là chi tiêu không hợp lý?
Ngược lại với chi tiêu hợp lý thì chi tiêu không hợp lý là chỉ việc bạn sử dụng tiền không khoa học cho các mục đích của mình. Ví dụ bạn chỉ có 200 ngàn đồng để chi tiêu cho mục đích mua thức ăn trong 2 ngày, nhưng bạn lại mua nhiều quá vượt con số 200 ngàn đồng hoặc mua hết 200 ngàn đồng nhưng không đủ thức ăn dùng cho 2 ngày, như vậy là bạn không biết chi tiêu hợp lý.
Chi tiêu khác chi phí như thế nào?
Chi tiêu trong tiếng Anh danh từ là expenditure, động từ là spend hay disburse.
Chi phí trong tiếng Anh danh từ là cost, động từ là expense, vậy chi tiêu khác chi phí như thế nào?
Theo định nghĩa trong kinh tế học chi tiêu và chi phí có ý nghĩa khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Chi tiêu là cơ sở phát sinh của chi phí, không có chi tiêu sẽ không có chi phí. Chi phí và chi tiêu khác nhau về số lượng, thời điểm phát sinh, có khoản chi tiêu ở thời kỳ này nhưng chưa được tính vào chi phí (chi phí dùng để mua nguyên vật liệu chưa sử dụng), có những khoản chi tiêu tính vào chi phí thời kỳ này nhưng thực tế chưa chi tiêu (đây là chi phí ứng trước).
Theo cách giải thích như trên thì chi tiêu và chi phí là hai khái niệm khác nhau. Hiểu đơn giản thì chi tiêu là với một khoản chi phí cố định trong một thời kỳ nhất định bạn cần chi tiêu sao cho hợp lý để đạt được lợi ích cao nhất cho mục đích của mình.
Vai trò của việc chi tiêu hợp lý
Chi tiêu hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng giúp bạn có được nền tảng tài chính ổn định, nó có quyết định quan trọng ảnh hưởng tới hiện tại và tương lai của một cá nhân, gia đình hay tổ chức. Sau đây là một số vai trò chính của việc chi tiêu hợp lý mang lại:
- Giúp bạn có một nguồn ngân sách dự phòng tốt chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai. Đồng thời nó giúp bạn có thể chủ động khi gặp các vấn đề khủng hoảng hay rủi ro không lường trước được.
- Giúp bạn sử dụng đúng giá trị đồng tiền, từ đó ổn định tình hình cuộc sống của cá nhân, gia đình hay tình hình chung của tổ chức.
- Việc chi tiêu hợp lý sẽ giúp cá nhân hay tổ chức phát triển hơn nữa, mở rộng thêm các cơ hội, mang lại các giá trị thiết thực hơn như cá nhân sẽ hạnh phúc và độc lập hơn, còn doanh nghiệp hay tổ chức sẽ có “sức khỏe tài chính” tốt hơn, phát triển ổn định hơn.
Nhìn chung đối với một cá nhân, chi tiêu tiết kiệm và hợp lý sẽ giúp bạn có được sự độc lập, tự do và là nền tảng để bạn theo đuổi những giá trị mong muốn. Đối với gia đình nó là tiền đề cho sự ổn định, hòa hợp và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Đối với doanh nghiệp hay tổ chức chi tiêu hợp lý là nền tảng để có một nguồn tài chính ổn định giúp tổ chức hoạt động, phát triển.
Một số bí quyết chi tiêu hợp lý dành cho bạn
Muốn chi tiêu hiệu quả bạn cần phải biết quản lý chi tiêu, sau đây là một số bí quyết dành cho cá nhân và hộ gia đình giúp bạn tiết kiệm các chi phí tốt hơn.
Tiết kiệm trước chi tiêu sau
Luôn tiết kiệm một phần thu nhập của mình, không bao giờ tiêu hết số tiền mình có là bí quyết để bạn có được một khoản tiền để dành. Với số tiền còn lại bạn mới dùng để chi tiêu cho các nhu cầu của bản thân và gia đình, nếu không tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu sau bạn sẽ dễ dàng sử dụng hết số tiền thu nhập mỗi tháng.
Áp dụng phương pháp tiết kiệm Kakeibo
Thực hiện phương pháp tiết kiệm Kakeibo của người Nhật giúp bạn tiết kiệm được tối đa từ thu nhập mình có. Trước hết bạn cần ghi hết ra các khoản thu nhập của mình, sau đó trừ đi khoản tiền dành cho các nhu cầu thiết yếu ăn – ở – đi lại. Bạn dành ra khoảng 20% thu nhập để tiết kiệm và tuyệt đối không động đến khoản này.
Sau đó bạn chia tiền thành các mục gồm: tiền phí sinh hoạt thiết yếu, tiền mua sắm, tiền giải trí, tiền cho các khoản phát sinh. Bạn thiết lập chế độ tiết kiệm tối đa, không mua những đồ không cần thiết. Đến cuối tháng bạn thống kê lại các khoản đã chi tiêu và số tiền tiết kiệm được (không tính số tiền 20% bạn đã trích ra tiết kiệm ban đầu). Dần dần qua các tháng bạn sẽ biết mình chi tiền vào đâu và tự điều chỉnh xem khoản nào hợp lý để chi, khoản nào cần cắt bớt. Cách làm này vừa đơn giản lại cực hiệu quả.
Kakeibo là phương pháp tiết kiệm nổi tiếng của người Nhật
Có mục tiêu tài chính rõ ràng
Đặt ra mục tiêu tài chính rõ ràng bằng cách lên danh sách những thứ cần mua, những việc cần làm và dự trù chi phí tương ứng để không bị chi tiêu vượt quá ngân sách có. Đồng thời khi có mục tiêu tài chính cụ thể bạn sẽ có động lực tiết kiệm tiền và không chi tiêu một cách lãng phí. Ví dụ bạn muốn mua một cái tủ lạnh mới hay chiếc xe mới từ bây giờ tới cuối năm, bạn cần quản lý chi tiêu hợp lý để mỗi tháng dư ra một khoản tiền nhất định sao cho đến cuối năm bạn đủ tiền mua tủ lạnh mới hay đổi chiếc xe mới.
Không mua những thứ không cần thiết
Hạn chế tối đa việc mua những thứ không thực sự cần thiết “vô thưởng vô phạt” so với nhu cầu để tiết kiệm tiền. Đôi khi việc chi những khoản nhỏ cho những thứ không cần thiết bạn thấy không đáng kể, nhưng nhiều khoản nhỏ góp vào sẽ thành khoản lớn gây thâm hụt lớn cho nguồn tiền chung.
Cảnh giác với chương trình khuyến mãi để không mua những đồ không cần thiết
Lập bảng chi tiêu để theo dõi
Lập bảng chi tiêu hàng tháng ra quyển sổ hoặc dùng các app quản lý chi tiêu trên di động để dễ dàng so sánh đối chiếu các tháng với nhau, từ đó rút kinh nghiệm, giảm dần các khoản chi không cần thiết khiến chi tiêu ngày càng hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Đầu tư thông minh
Học cách đầu tư thông minh để khoản tiền tiết kiệm được sinh lời tốt hơn và đầu tư cho bản thân để nâng cao kỹ năng kiến thức giúp tăng thêm thu nhập cũng là một bí quyết để bạn chi tiêu hiệu quả. Không chỉ là việc chi tiêu cho những tiêu dùng cơ bản, việc chi tiêu cho những kế hoạch đầu tư dài hạn về tương lai là cách khôn ngoan để bạn đảm bảo tương lai tốt hơn.
Hy vọng qua những thông tin bạn hiểu về khái niệm chi tiêu và tác dụng của việc chi tiêu hợp lý tiết kiệm. Bạn có thể tham khảo những bí quyết chi tiêu khoa học hợp lý nêu trên và áp dụng phù hợp theo điều kiện khả năng của mình.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.